KHỞI NGHIỆP CẦN NHẤT ĐIỀU GÌ?

ENTREPRENEURSHIP

6 min read

Khởi nghiệp cần nhất điều gì?

Chắc chắn là tinh thần khởi nghiệp. Với bất cứ ai có hoài bão và chí hướng, xây dựng một doanh nghiệp của riêng mình luôn là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, theo nhiều dữ liệu, chỉ có 2% doanh nghiệp là có thể tồn tại sau 10 năm khởi nghiệp. Con số này là quá thấp, thậm chí là thấp hơn xác suất thành công của những trò đỏ đen. Vậy thì tại sao hàng ngày lại có nhiều người vẫn cố gắng tìm đường khởi nghiệp, và có phương pháp nào để giúp người khởi nghiệp gia tăng được xác suất thành công?

Một thành viên của nhóm chúng tôi chia sẻ,

Năm 2011, tôi bắt đầu xây dựng doanh nghiệp của riêng mình, vào lúc cũng vừa mới tốt nghiệp đại học. Thời điểm đó ở Việt Nam, khởi nghiệp đang trở thành một phong trào. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng tìm đường khởi nghiệp. Chớp mắt 1 cái đã 10 năm trôi qua, khi nhìn lại thì thế hệ khởi nghiệp cùng tôi thời điểm đó, giờ chỉ còn mình tôi đang tiếp tục phát triển doanh nghiệp riêng. Và “phong trào khởi nghiệp” cũng lụi tàn theo đúng cái từ người ta dành cho nó: “phong trào”.

Tinh thần khởi nghiệp là gì? Dựa trên trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy một người doanh nhân cần phải làm tốt 3 yếu tố này: là một đối tác tin cậy, là một lãnh đạo sáng suốt và là người cố vấn tận tụy.

1.Tinh thần cộng tác

Đây là tinh thần xuyên suốt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, bởi người doanh nhân khởi nghiệp cần rất nhiều nguồn lực từ mọi người xung quanh (người đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, khách hàng) để có thể vận hành doanh nghiệp. Cái bẫy lớn khi khởi nghiệp chính là người doanh nhân để cái tôi của mình vượt lên trên mọi người, thậm chí trên cả lợi ích của tổ chức. Tinh thần cộng tác không gì khác ngoài việc dẹp bỏ cái tôi cá nhân để có thể cống hiến một cách không vụ lợi cho sự phát triển của tổ chức.

2.Tinh thần lãnh đạo

Đây là tinh thần cần phải có khi người doanh nhân bắt đầu xây dựng đội ngũ nhân sự và chuyên môn hóa doanh nghiệp. Thông thường, phần lớn thời gian doanh nhân làm việc ở chế độ quản lý (management mode) để giúp doanh nghiệp tồn tại và hoạt động đúng quy trình. Tuy nhiên để nâng tầm doanh nghiệp, người doanh nhân cần dành nhiều thời gian hơn ở chế độ phát triển (developing mode), đây chính là lúc doanh nhân cần phát huy tinh thần lãnh đạo. Người doanh nhân có tinh thần lãnh đạo tốt là người xây dựng được tầm nhìn và kế hoạch dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp, họ đồng thời giữ vững được lập trường trước những thử thách và có khả năng truyền tải tầm nhìn của mình cho tổ chức.

3. Tinh thần cố vấn

Để mở rộng quy mô doanh nghiệp, cần thiết phải xây dựng những thế hệ lãnh đạo kế cận. Quá trình xây dựng đội ngũ kế cận đó rất cần việc phát huy tối đa tinh thần cố vấn. Đứng trên vai trò người cố vấn, họ không đơn thuần chỉ dành chất xám (định hướng), mà còn là thời gian, tiền bạc và những nguồn lực họ có trong tay để giúp đỡ, cùng làm việc, từ đó nâng tầm lãnh đạo tiềm năng trong tổ chức. Ở chiều ngược lại, bản thân người doanh nhân khởi nghiệp cũng cần phải tìm cho mình một người cố vấn phù hợp, đồng thời hết mình làm việc, cam kết tuyệt đối để trở thành người học trò giỏi nhất trong đội ngũ của người cố vấn. “Không thầy đố mày làm nên” là như vậy.

Bạn thân mến, nếu bạn đang ấp ủ trong đầu mình một khát khao khởi nghiệp, đừng quá bận tâm về những gì mình đang có. Hãy suy nghĩ về những gì mình cần và lên kế hoạch hoàn thiện nó, đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp. Thậm chí nguồn vốn mà bạn đầu tư vào doanh nghiệp của mình, không nhất thiết phải là tiền, bởi vì có rất nhiều thứ tiền không thể giải quyết được. Giống như ở thời điểm hiện tại, có nhiều bạn bè khi thành lập doanh nghiệp đã đề nghị tôi cộng tác, không cần góp vốn, chỉ cần góp thời gian và chất xám, sau đó chia cổ phần. Đừng để những gì bạn đang có ở hiện tại giới hạn những gì bạn gặt hái được ở tương lai, bạn có thể bắt đầu nhỏ nhưng gầy dựng nên sự nghiệp lớn nếu bạn áp dụng một cách đúng đắn tinh thần doanh nhân trong suốt quá trình phát triển doanh nghiệp.